Bối cảnh Trận_Austerlitz

Tình hình chiến sự ở Austerlitz năm 1805.

Châu Âu hỗn loạn triền miên từ khi chiến tranh Cách mạng Pháp bùng nổ năm 1792. Năm 1797, sau 5 năm chiến đấu sau (1797), Cộng hòa Pháp non trẻ đã đánh bại Liên minh thứ nhất gồm Anh, Phổ, Áo, Tây Ban Nha và một số nước ở Ý. Ít lâu sau, các nước Nga, Anh, Áo lại lập Liên minh thứ hai, sau có thêm Thổ Nhĩ Kỳ, NapoliBồ Đào Nha. Năm 1801, Liên minh thứ hai thua trận tan rã.[4] Từ đây Anh trở thành đối thủ duy nhất của nhà nước Pháp cách mạng.

Năm 1799, đảo chính ở Pháp đưa tướng Napoléon Bonaparte lên làm Đệ nhất Tổng tài.[5] Trong tháng 3 năm 1802, Pháp và Anh đồng ý chấm dứt chiến tranh theo Hiệp ước Amiens. Lần đầu tiên trong mười năm, toàn bộ châu Âu trở lại hòa bình. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã nảy sinh giữa hai bên, khiến việc tuân thủ đúng theo hiệp ước ngày càng trở nên khó khăn. Chính phủ Anh giận Pháp lấy lại nhiều thuộc địa mà Anh đã chinh phục từ năm 1793 trở đi. Napoléon thì bất mãn việc quân đội Anh đóng lì ở khỏi đảo Malta.[6] Căng thẳng càng tồi tệ khi Napoléon đã gửi một lực lượng viễn chinh dập tắt cách mạng Haiti.[7] Tháng 5 năm 1803, Anh tuyên chiến với Pháp.

Liên minh thứ ba

Tháng 12 năm 1804, một thỏa thuận Anh-Thụy Điển đã dẫn đến việc thành lập Liên minh thứ ba. Thủ tướng Anh William Pitt Trẻ đã dành hai năm 1804 và 1805 cho một loạt các hoạt động ngoại giao hướng tới việc hình thành liên minh mới chống lại Pháp, và tới tháng 4 năm 1805, Anh và Nga đã trở thành đồng minh.[8] Từng bị Pháp đánh bại hai lần làm suy suyễn địa vị bá chủ ở Đức và Trung Âu, đế quốc Áo gia nhập liên minh sau đó vài tháng.[9][10] Vốn vào ngày 28 tháng 5 năm 1804, Napoléon Bonaparte đã tự tôn làm Hoàng đế nước Pháp (đế hiệu là Napoléon I), và làm lễ đăng ngôi vào ngày 2 tháng 12 năm ấy, thiết lập nền quân chủ tư sản.[11] Sự kiện này đã khiến cho Nga và Áo lo sợ để khẩn thiết liên minh với nhau.[5] Franz I càng thêm lo sợ Napoléon I sẽ cướp mất ngôi Hoàng đế Đức.[10] Bản thân Napoléon I đã nhận thức rằng ông sẽ phải chiến đấu liên tục với các nước phong kiến châu Âu,[11] và ông còn giáng thêm một đòn nữa vào nước Áo khi ông xưng vương nước Ý.[5] Trong các liệt cường Âu châu, chỉ có riêng nước Phổ là còn không biết có tham gia hay không. Nhưng, dầu sao đi chăng nữa, Napoléon I đã thực sự bị cô lập.[11]

Đại quân (La Grande Armée)

Trước khi Liên minh thứ ba được thành lập, Hoàng đế Napoléon I đã tập hợp một lực lượng quân đội được gọi là Đội quân nước Anh, gồm sáu trại lính ở Boulogne thuộc miền bắc Pháp. Ông định dùng lực lượng quân chinh phạt này để tiến đánh Anh Quốc, và quá tự tin vào chiến thắng đến mức chuẩn bị sẵn cả huân chương để ăn mừng.[12] Mặc dù đội quân này không bao giờ đặt chân lên đất Anh nhưng họ được huấn luyện rất cẩn thận và tiêu tốn nhiều tiền bạc, để sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự khác. Sự buồn chán đôi khi xuất hiện trong hàng ngũ, nhưng Napoléon đã tới thăm họ nhiều lần và tổ chức nhiều cuộc duyệt binh để nâng cao sĩ khí.[13]

Những binh sĩ ở Boulogne đã trở thành hạt nhân của một đội quân mà Napoléon gọi là La Grande Armée (tạm dịch là "Đội quân vĩ đại" hay "Đại quân"). Đoàn quân sẽ trở nên rạng danh sử xanh, như một công cụ giúp cho Napoléon I sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi liên minh của các quốc gia phong kiến.[14][15] Lúc đầu, quân Pháp có 20 vạn quân sĩ chia thành bảy quân đoàn. Mỗi quân đoàn là một đơn vị chiến đấu trên chiến trường lớn, có từ 26 đến 40 súng đại bác và có khả năng chiến đấu độc lập cho tới khi các quân đoàn khác tới giải cứu.[9] Một quân đoàn đơn lẻ nếu được đặt vào vị trí phòng thủ vững chắc có thể trụ lại được ít nhất là một ngày mà không có sự hỗ trợ nào, điếu này khiến Đội quân vĩ đại có rất nhiều lựa chọn về mặt chiến thuật và chiến lược trong mọi chiến dịch. Hoàng đế Pháp cũng tấn phong những công thần như Louis Nicolas Davout, Michel Ney, Jean Lannes,... làm Thống chế Đế quốc (Maréchal d'Empire).[15] Ngoài lực lượng trên thì ông cũng xây dựng lực lượng Kỵ binh dự bị gồm 22.000 quân, chia làm hai đơn vị Thiết Kỵ binh, bốn đơn vị Long Kỵ binh, một đơn vị Kỵ binh đánh bộ và một đơn vị Khinh Kỵ binh, được yểm trợ bởi 24 khẩu pháo.[9] Tới năm 1805 thì Đại quân đã có tổng cộng 350.000 binh sĩ đều được trang bị và huấn luyện tốt, cũng như là được chỉ huy bởi các sĩ quan tài giỏi.[9]

Quân đội Nga

Quân đội Nga vào năm 1805 có nhiều nét của Quân đội Pháp trong chế độ cũ (Ancien Régime). Họ không có tổ chức cao hơn mức Trung đoàn, các sĩ quan cấp cao thường là từ giới quý tộc và chức tước được mua bán thay vì dựa vào tài năng. Những người lính Nga thì hay bị đánh đập và trừng phạt để tuân lệnh, theo kiểu thế kỷ 18. Ngoài ra thì giới Sĩ quan là thành phần yếu kém nhất của Quân đội Nga, xung khắc với các gia đình quân sự anh dũng trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của đại văn hào Lev Tolstoy. Tuy những võ tướng như Bagration, Miloradovitch và Dokhturov đều tài giỏi và được huấn luyện chặt chẽ,[16] nhiều Sĩ quan cấp thấp của Nga được huấn luyện kém cỏi và gặp khó khăn trong việc chỉ đạo binh sĩ của mình thực hiện những chiến thuật phức tạp trên chiến trường. Mặc dù vậy thì các chiến binh Nga luôn chiến đấu rất dũng cảm, vả lại quân Nga còn có đội Pháo binh hùng hậu, với số lượng đại pháo dồi dào, và được điều khiển bởi các binh sĩ thường xuyên chiến đấu khốc liệt để ngăn pháo của mình lọt vào tay đối thủ.[17]

Hệ thống hậu cần của quân Nga chủ yếu dựa vào dân cư địa phương và các đồng minh Áo của Nga, với 70% quân nhu của Nga được cung cấp bởi Áo. Phải tiến hành tiếp vận quá dàn trải mà không có một hệ thống hậu cần vững chắc và được tổ chức tốt, quân Nga gặp khó khăn trong việc duy trì sức khỏe và sự tập trung trong chiến đấu. Nhưng, dầu sao đây nữa thì trước trận Austerlitz, nước Nga vẫn luôn tin chắc rằng đoàn quân của mình là bất khả chiến bại.[18]

Quân đội Áo

Đại Công tước Karl - em trai của Đại Công tước Áo-Hoàng đế Đức là Franz II, đã bắt đầu công cuộc cải cách lực lượng Quân đội Áo từ năm 1801 với việc loại bỏ tầm ảnh hưởng của Hội đồng Hofkriegsrat trong quân đội.[19] Karl, Quận công xứ Teschen, là vị võ tướng tài giỏi nhất của nước Áo,[20] nhưng ông đã bị thất sủng sau khi lời khuyên của ông rằng đừng tuyên chiến với Pháp không được chấp nhận. Những người chống đối ông bắt đầu ra tay kể từ khi Thủ tướng Anh Pitt do không đồng lòng với lời khuyên của ông mà đã hối lộ cho Triều đình Viên.[21] Karl Mack trở thành chỉ huy mới của quân Áo và đã tiến hành cải tổ lực lượng Bộ binh ngay trước chiến tranh. Một trung đoàn giờ đây bao gồm 4 tiểu đoàn, một tiểu đoàn có 4 trung đội, thay vì cách sắp xếp cũ là một trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn, một tiểu đoàn gồm 6 trung đội. Sự thay đổi này diễn ra mà không có việc huấn luyện cho các sĩ quan để thích ứng, dẫn đến sự khó khăn trong chỉ huy.[22] Lực lượng Kỵ binh Áo chiếm ưu thế áp đảo Kỵ binh Pháp trong những trận đánh ban đầu cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp, và cho đến năm 1801 thì họ vẫn tin rằng mình là quân Kỵ binh tinh nhuệ nhất của cả châu Âu. Nhưng việc bị tách ra xếp chung với các đơn vị bộ binh đã làm giảm sự hiệu quả của họ trong việc đối đầu với Kỵ binh Pháp có số lượng lớn hơn. Song, khi sự hợp tác tệ hại đến thế thì những người lính Thiết Kỵ Binh, Long Kỵ Binh, Thương Kỵ Binh vẫn chiến đấu dũng mãnh.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Austerlitz http://www.austerlitz2005.com/en/interests/legends http://books.google.com/books?id=KlNEAAAAIAAJ&prin... http://www.imdb.com/title/tt0053638/ http://www.vialupo.com/austerlitz http://www.virtualczech.cz/kraj-/927-bitva-u-slavk... http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-d.htm http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-e.htm http://books.google.de/books?id=-PUsAAAAYAAJ&dq=Hi... http://books.google.de/books?id=AnsOAAAAQAAJ&dq=Th... http://books.google.de/books?id=AoSYm1VAdJcC&dq=M....